5 Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu

5 Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu

Ngày 1/4, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thường kỳ tháng 3/2015. Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên và đại diện một số bộ, ngành đã trả lời các vấn đề mà báo chí, dư luận đặc biệt quan tâm.

Trước một số ý kiến chưa đồng tình với việc điều chỉnh tăng giá điện vừa qua của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vì cho rằng EVN thiếu minh bạch trong giá điện, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định: Những năm qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo tích cực thực hiện việc công khai, minh bạch đối với hoạt động sản xuất – kinh doanh (SX-KD) điện. Thực hiện Quyết định 24/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường, từ năm 2011, Tổ công tác liên ngành gồm đại diện các bộ, cơ quan liên quan, trong đó có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã triển khai công tác kiểm tra giá thành SX-KD điện. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, Bộ Công Thương thay mặt Tổ công tác liên ngành đã tổ chức họp báo, công bố, gửi cho các cơ quan báo chí và đăng tải công khai trên trang web của Bộ các nội dung về giá thành SX-KD điện, chi phí các khâu phát điện, truyền tải, phân phối bán lẻ điện, chi phí điều hành quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống; kết quả hoạt động (lỗ/lãi) của SX-KD điện; các khoản còn treo chưa được phân bổ vào giá điện.

Việc điều chỉnh giá bán điện ngày 16/3/2015 là cần thiết. Phương án điều chỉnh giá cũng được các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thống nhất.

Điện và xăng dầu là hai mặt hàng rất quan trọng đối với nền kinh tế; cơ chế quản lý, điều chỉnh giá phải tuân thủ quy trình, thủ tục, nguyên tắc theo quy định của pháp luật. Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc xuất khẩu (XK) quý I/2015 gặp nhiều khó khăn, Bộ Công Thương có giải pháp gì để đạt được mục tiêu XK trong năm nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, quý I, XK một số mặt hàng nông sản như: gạo, cà phê, cao su… có sự sụt giảm, khoảng 30% so với cùng kỳ; nhóm hàng công nghiệp, khai khoáng, cả giá và lượng đều giảm đáng kể, giá trị XK giảm khoảng 1 tỷ USD. Tăng trưởng XK quý I/2015 chỉ đạt 6,9%.

Tuy nhiên, đây là con số nằm trong dự báo.

Về các giải pháp nhằm đẩy mạnh XK trong thời gian tới, theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, thứ nhất, năm 2015, hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) có khả năng kết thúc đàm phán, ký kết như: TPP, Việt Nam – EU, Cộng đồng kinh tế Asean… Đây là yếu tố tạo cơ hội cho DN đẩy mạnh XK, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thứ hai, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa một số thủ tục liên quan đến hoạt động XNK. Thứ ba, tăng cường xúc tiến thương mại, hướng tới thị trường trọng tâm, trong điểm, có nhu cầu lớn. Thứ tư, phối hợp với các bộ, ngành, cùng DN tạo cơ chế hình thành mối liên kết trong sản xuất. Thứ năm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo Thương vụ nước ngoài cung cấp thông tin về thị trường; giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, bảo vệ lợi ích của DN Việt Nam.

Nguyễn Hải

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Chia sẻ bài viết này trên