“Bức tranh” kinh tế 6 tháng qua các con số
VnEconomy điểm lại những nét chính trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm, vừa được Tổng cục Thống kê công bố.
GDP đạt 4,9%
Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) sáu tháng đầu năm 2013 ước tính tăng 4,90% so với cùng kỳ năm 2012 (quý 1 tăng 4,76%; quý 2 tăng 5,00%), trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,07%, đóng góp 0,40 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,18%, đóng góp 1,99 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 5,92%, đóng góp 2,51 điểm phần trăm.
Trong khu vực dịch vụ sáu tháng đầu năm nay, trừ ngành kinh doanh bất động sản tăng 1,8%, một số ngành chiếm tỷ trọng lớn và tăng khá là: Ngành bán buôn và bán lẻ tăng 5,33%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,78%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,4%; giáo dục và đào tạo tăng 8,02%; vận tải kho bãi tăng 5,59%; các ngành khác tăng từ 7 – 8%.
Tuy nhiên, trong sáu tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã có chuyển biến khá nhanh từ quý 2 với giá trị tăng thêm quý 2 cao hơn 2,3 điểm phần trăm so với quý 1.
Công nghiệp tăng tốc
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp sáu tháng đầu năm ước tính tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2012 (quý 2 cao hơn 1,5 điểm phần trăm so với quý 1, trong khi quý 2/2012 chỉ tăng 0,4 điểm phần trăm).
Trong mức tăng chung 5,2% của toàn ngành sáu tháng đầu năm, ngành khai khoáng đóng góp 0,4 điểm phần trăm; ngành chế biến, chế tạo đóng góp 4,1 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện đóng góp 0,6 điểm phần trăm và ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sáu tháng tăng 5,7% (cùng kỳ năm trước tăng 5,9%), đây là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp, tuy chưa đạt mức tăng như cùng kỳ năm trước nhưng mức tăng quý 2 cao hơn 2,3 điểm phần trăm so với mức tăng quý 1 (mức tăng quý 2/2012 thấp hơn 1,0 điểm phần trăm so với quý 1/2012).
Trong khi đó, chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện sáu tháng đầu năm tăng 8,7%, thấp hơn nhiều mức tăng 14,7% của cùng kỳ năm trước.
Đầu tư: Cả Nhà nước và FDI đều tăng
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện sáu tháng đầu năm 2013 theo giá hiện hành ước tính đạt 448,6 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước và bằng 29,6% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 166,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 37% tổng vốn và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước 168,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,5% và tăng 9,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 114,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,5% và tăng 3,9%.
Riêng về thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/6/2013 đạt 10,472 tỷ USD, bằng 115,9% cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đăng ký của 554 dự án được cấp phép mới đạt 5812,0 triệu USD, bằng 89,6% số dự án và bằng 103,7% số vốn cùng kỳ năm 2012; vốn đăng ký bổ sung của 217 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước là 4660,9 triệu USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện sáu tháng đầu năm ước tính đạt 5,7 tỷ USD, bằng 105,6% cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sáu tháng đầu năm nay tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 88,9% tổng vốn đăng ký; ngành kinh doanh bất động sản chiếm 4%.
Nhập siêu trở lại
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sáu tháng đầu năm ước tính đạt 62 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sáu tháng đầu năm ước tính đạt 64,8 tỷ USD, tăng 21,2%.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sáu tháng đầu năm tăng cao chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng tương ứng của cả nước như: Điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; giày dép; hàng dệt may.
Tuy nhiên, trong khi xuất khẩu tăng khá, nhập khẩu cũng tăng không kém. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu sáu tháng đầu năm ước tính đạt 63,4 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2012 (quý1 I tăng 15,4%; quý 2 tăng 19,2%).
Cũng như xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu là các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng tương ứng của cả nước như: Điện thoại các loại và linh kiện; điện tử máy tính và linh kiện; vải các loại; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép.
Nếu loại trừ yếu tố giá thì kim ngạch hàng hóa nhập khẩu sáu tháng năm nay đạt 65,1 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước.
Với kết quả đó, nhập siêu sáu tháng đầu năm ước tính 1,4 tỷ USD, bằng 2,3% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó quý 1 xuất siêu 233 triệu USD; quý 2 nhập siêu 1,6 tỷ USD.
(Nguồn: VnEconomy)