Chính sách tiền tệ: Mở nút thắt và neo kỳ vọng
Loạt điều chỉnh của nhà điều hành chính sách tiền tệ đã chính thức mở các nút thắt chờ đợi…
Cuối chiều 27/6, Ngân hàng Nhà nước lần lượt công bố các quyết định điều chỉnh về lãi suất, tỷ giá. Cùng lúc, giá vàng liên tục lao dốc và thời hạn các ngân hàng tất toán trạng thái cận kề.
Nhận thông tin về các quyết định điều chỉnh, một chuyên gia tài chính đang có kỳ nghỉ bên gia đình nhắn tin cho người viết: “Các quyết sách đã ra, Ngân hàng Nhà nước đi nghỉ mát được rồi”.
Một gói đồng bộ
Tin nhắn trên mang hai hàm ý. Một là, sau nhiều áp lực và cân nhắc, loạt điều chỉnh đã chính thức mở các nút thắt chờ đợi và dò đoán trên thị trường thời gian gần đây. Tạm xử lý xong những yêu cầu lớn, nhà điều hành có thể tạm “nghỉ mát” để rồi tiếp tục theo dõi, ứng xử với thị trường.
Hai là, Ngân hàng Nhà nước đang sử dụng đến những hạt tài nguyên chính sách cuối cùng để giữ mối quan hệ cân bằng động giữa lãi suất, lạm phát và tỷ giá trước các yêu cầu tích dồn trong thời gian qua. Tạm thời hết “vốn”, nghỉ ngơi và mong thị trường phản ứng đồng thuận như đoán định.
Ở hàm ý thứ nhất, cùng lúc Ngân hàng Nhà nước xử lý yêu cầu hạ lãi suất, tăng tỷ giá USD/VND đang đặt ra trong một gói điều chỉnh đồng bộ.
Lãi suất VND đầu vào giảm thêm, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng bớt chi phí và tiếp tục xem xét hạ lãi suất cho vay. Cơ chế trần cũng mở thêm hướng tự chủ lãi suất cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, giúp các nhà băng dễ thở hơn nếu có áp lực thanh khoản hay một bộ phận dòng tiền gửi đảo chiều.
Một lần nữa, việc điều chỉnh lãi suất được đưa ra sau dữ liệu lạm phát định kỳ công bố. Suốt từ năm 2012 đến nay, các lần điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đều thận trọng và chắc chắn khi bám theo diễn biến của lạm phát như vậy.
Đặc biệt, sau khoảng hai năm, trần lãi suất huy động USD mới được điều chỉnh. Chênh lệch lãi suất “đô – đồng” liên tục bị thu hẹp thời gian qua và đây là lúc Ngân hàng Nhà nước nới khoảng cách ở đầu lãi suất USD, giảm đi, để tránh tác động bất lợi đến tỷ giá. Hay khi lãi suất giảm, nắm giữ USD bớt hấp dẫn, còn lãi suất VND dù cũng giảm nhưng vẫn cao hơn nhiều. Có lẽ mục đích của nhà điều hành khi hạ trần lãi suất USD là để kích thích chuyển đổi vốn huy động sang cung ngoại tệ thương mại cho thị trường, góp phần xoa dịu áp lực tỷ giá.
Theo tìm hiểu của VnEconomy, trong tháng 5 và 6 vừa qua, huy động vốn ngoại tệ (không tính vàng) có xu hướng tăng lên, một biểu hiện của trạng thái găm giữ ngoại tệ tăng lên. Quyết định hạ trần lãi suất USD theo đó là một ứng xử mang tính uốn nắn các dòng vốn.
Và riêng với tỷ giá USD/VND, sau 18 tháng giữ nguyên, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tăng thêm 1%. Quyết định điều chỉnh được đưa ra sau khi lãi suất VND đã liên tục giảm, thị trường đã có nhiều thay đổi đòi hỏi tỷ giá phải phản ánh sát hơn…
Ở hàm ý thứ hai của tin nhắn trên, tài nguyên để tiếp tục giảm lãi suất, tăng tỷ giá đã cạn. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đề cập đến khả năng đây là “giới hạn điều chỉnh cuối cùng” của lãi suất, căn theo khả năng kiềm chế lạm phát; trong khi tỷ giá tính từ đầu năm đến nay, cộng thêm lần điều chỉnh này cũng đã sát với định hướng giữ ổn định với mức tăng tối đa khoảng 2 – 3% trong cả năm nay.
Tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy, lãnh đạo một ngân hàng thương mại lại có góc nhìn khác. Ông cho rằng không nên nói đến dư địa chính sách còn hay cạn, mà cần bám theo diễn biến của thực tế thị trường, hay các diễn biến vĩ mô. Giả sử lạm phát vẫn tiếp tục ở mức thấp, thậm chí giảm, thì nhà điều hành vẫn có thể xem xét giảm thêm lãi suất. Hoặc giả sau loạt điều chỉnh vừa qua, thị trường vận hành ổn định, vĩ mô tốt lên thì có thừa nhiều đất cho chính sách cũng không hẳn phải dùng đến.
“Neo” tâm lý kỳ vọng
Tỷ giá USD/VND đã điều chỉnh! Thông cáo Ngân hàng Nhà nước phát đi về sự kiện này ngắn gọn, nhưng nhiều thông tin.
Một lần nữa, nhà điều hành khẳng định cam kết giữ ổn định tỷ giá trong năm nay. Lãnh đạo chuyên trách cũng cho biết sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết để giữ ổn định. Tức là, định hướng tăng không quá 2 – 3% trong năm vẫn được bảo lưu, thậm chí được cam kết mạnh mẽ hơn.
Từ đầu năm đến nay tỷ giá đã tăng 0,9%, nay thêm 1% nữa, đồng nghĩa 6 tháng cuối năm sẽ hạn chế những biến động mạnh. Bởi lẽ, một khi nhà điều hành đã cam kết, nêu quyết tâm, việc thực hiện và đảm bảo cam kết của mình là uy tín, gắn với niềm tin của thị trường. Theo đó, nhu cầu găm giữ USD trong ngắn hạn sẽ phải tính toán lợi ích, hay việc đầu cơ ngoại tệ trong ngắn hạn có thể sẽ “nản” khi nhìn vào khả năng sinh lời.
Ở đây, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục “neo” tâm lý kỳ vọng của thị trường, một yếu tố quan trọng góp phần giữ ổn định tỷ giá trong hai năm qua. Trước đây, thị trường ngoại hối dậy sóng, căng thẳng với tình trạng hai giá, nhà điều hành phải liên tục điều chỉnh để chạy theo các cơn sốt. Còn nay, việc định hướng và “neo” được tâm lý kỳ vọng đã cho thấy sự chủ động dẫn dắt thị trường trong công tác điều hành.
Tất nhiên, mục tiêu giữ ổn định tỷ giá, theo “suy đoán” trên là từ nay đến cuối năm tăng không quá 1%, vẫn tiềm ẩn rủi ro. Bởi hoàn toàn có thể xẩy ra những tác động, yếu tố bất thường bên trong và bên ngoài không nằm trong dự tính. Nếu có tác động lớn và bất lợi, để tránh tăng tỷ giá vượt định hướng, nhiều khả năng sẽ phải giảm bớt nguồn lực dự trữ ngoại hối…
Có một câu hỏi là, vì sao lần này tỷ giá tăng 1%, hay vì sao Ngân hàng Nhà nước thể hiện quyết tâm giữ cam kết ổn định sau điều chỉnh? Có những câu trả lời khác nhau, nhiều yếu tố để xem xét cân đối. Song có thể thấy lạm phát là một cơ sở chính để tính toán mức độ điều chỉnh, tương tự như với lãi suất. Một mô hình định lượng mà VnEconomy tham khảo cho thấy, tác động của việc điều chỉnh tỷ giá lần này có thể đẩy lạm phát tăng thêm 0,5%. Nếu chủ động điều chỉnh lớn hơn, hay để nó từ nay đến cuối năm nở thêm, mục tiêu kiềm chế lạm phát sẽ thêm yếu tố rủi ro.
“Không ngại vốn chạy sang vàng!”
Bối cảnh của loạt điều chỉnh trên là đáng chú ý. Với ngoại tệ, “tỷ giá tăng rồi và khó tăng tiếp hoặc thay đổi sẽ không lớn, bán thôi” có thể là suy tính của nhiều người. Nhưng việc giảm tiếp lãi suất VND lại khá nhạy cảm khi giá vàng liên tục đổ dốc và tạo vùng trũng hấp dẫn vốn.
Liệu có tình huống người dân nhìn lãi suất VND kém đi mà để mắt sang giá vàng đang giảm sâu?
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại trả lời VnEconomy: “Không ngại vốn chạy sang vàng!”. Ông lưu ý, người dân mua vàng hiện nay đã khác trước nhiều. Họ cẩn trọng hơn. Trước đây mua vàng và gửi ngân hàng còn được vài ba phần trăm hộ thân, nay gửi thì mất phí mà còn đối diện với rủi ro giá giảm cùng chênh lớn giá mua vào – bán ra.
Chưa kể, sau khi thở phào với việc thực hiện tất toán trạng thái vàng tại các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước sẽ bớt gánh nặng để thực hiện việc thu hẹp chênh lệch giá trong nước so với thế giới.
Ở bình diện chung, lực cầu trên thị trường vàng đã bị hạn chế rất nhiều so với trước. Hiện các cá nhân, tổ chức không thể sử dụng đòn bẩy vốn vay từ ngân hàng để vào cuộc đầu cơ; một phần lớn lực cầu của các ngân hàng thương mại cũng đã bị bóc tách sau 30/6, chỉ còn khả năng gom mua tối đa 2% vốn tự có theo quy định.
Và phía trước, các cơ quan chức năng đang hoàn tất cơ chế phải thống kê, báo cáo các giao dịch quy mô lớn theo cơ chế giám sát phòng chống rửa tiền, “tay to” sẽ phải dè chừng. Ngay như lúc này, tại một số đầu mối, để mua vàng lô lớn cũng đã phải xác định rõ tên tuổi…
(Nguồn: VnEconomy)