Gia tăng giá trị cho gạo Việt Nam

Gia tăng giá trị cho gạo Việt Nam

PGS.TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (tỉnh An Giang) nhận định: Đối với Việt Nam, ngành gạo không chỉ đóng vai trò quan trọng ở lĩnh vực xuất – nhập khẩu mà sản xuất lúa gạo còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người nông dân.

Nhiều năm qua, các đơn vị hoạt động trong ngành gạo luôn tích cực tìm kiếm giải pháp nâng cao giá trị gia tăng cho hạt gạo, giúp người nông dân tăng thu nhập và hạn chế những bất cập. Do đó, ngày càng có các loại sản phẩm mới cho giá trị gia tăng cao, đáp ứng được nhu cầu thị trường, góp phần khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam, đã được một số đơn vị nghiên cứu và sản xuất thành công.

Hiện tại trên thị trường, có thể kể đến sản phẩm gạo mầm VIBIGABA, do Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang sản xuất, là loại gạo lứt được lên men trong điều kiện thích hợp để hạt gạo được kích hoạt, tạo ra nhiều chất dinh dưỡng, có công dụng giúp cân bằng huyết áp, chống béo phì, phù hợp với người bệnh đái tháo đường…

Riêng đề án phát triển gạo thơm của tỉnh Sóc Trăng, đến nay đã cho ra đời hàng loạt giống lai phức hợp, đẳng cấp được nâng dần trong xuất khẩu như giống ST3 (đoạt giải Bông lúa vàng năn 2003), ST 20 (giải nhất Hội thi Gạo ngon thương hiệu Việt tại Festival lúa gạo lần II, năm 2011); đồng thời còn có những loại hút hàng trên thị trường, gồm giống ST Đỏ cơm thơm (dành cho người ăn kiêng), ST Tím (từ nếp lai chuyển thành gạo)…

Ông Hồ Quang Cua, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết: Hơn 20 năm gắn bó với cây lúa thơm, từ những giống cổ truyền của Việt Nam đến những cây lúa thơm của Thái Lan, Campuchia… đã tạo cơ hội nắm bắt được nhu cầu của người nông dân, thị hiếu tiêu dùng, kết hợp với khảo sát thực tiễn, để xây dựng định hướng phát triển cho cây lúa thơm của tỉnh Sóc Trăng. Với mục tiêu tạo ra những loại gạo nổi tiếng, sản phẩm độc đáo, xây dựng vị thế riêng, tỉnh Sóc Trăng đã chọn hướng phát triển, chú trọng vào yếu tố chất lượng, thỏa mãn thị hiếu tiêu dùng và giữ giá trị hạt giống như ban đầu.

Bên cạnh việc nâng cao giá trị gạo Việt Nam bằng giải pháp cải tạo giống, đa dạng chủng loại, nhiều doanh nghiệp còn tích cực nghiên cứu, giới thiệu những sản phẩm sau gạo có giá trị gia tăng cao, thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Khảo sát tại những hệ thống bán lẻ, siêu thị… cho thấy sản phẩm công nghệ, thực phẩm ăn liền, được sử dụng gạo làm nguyên liệu sản xuất rất phong phú như: cháo, phở, hủ tíu, bún các loại… Nhiều nhà sản xuất – kinh doanh cũng cho rằng, hạt gạo qua nghiên cứu và chế biến đã cho ra đời những mặt hàng thực phẩm bổ dưỡng, tiện lợi, phù hợp với nhu cầu của nhịp sống hiện đại ngày nay.

Theo ông Bùi Hữu Lộc, chủ cơ sở sản xuất Lộc Sánh (tỉnh Đồng Tháp), nghề sản xuất bột gạo có từ lâu đời, nhưng trong thời gian dài chưa được đầu tư đúng mức về vốn, nguồn nhân lực, công nghệ… nên việc sáng tạo ra sản phẩm mới còn nhiều hạn chế. Từ khi nhận thấy tiềm năng thị trường khá lớn, các cơ sở sản xuất đã mạnh dạn đầu tư thiết bị, máy móc cho sản xuất, hàng loạt sản phẩm sau gạo, từ gạo mới, từng bước được kinh doanh rộng rãi trên thị trường. Hiện tại, bột gạo vừa là mặt hàng xuất khẩu vừa là sản phẩm góp phần tăng thêm giá trị gia tăng cho gạo Việt Nam tại các thị trường Thái Lan, Hà Lan, Campuchia, Australia…

Ngoài là nguyên liệu chủ yếu để chế biến trong các món ăn truyền thống, bột gạo còn được Công ty bánh kẹo Á Châu đưa vào sản xuất bánh mì. Ông Cao Siêu Lực, Giám đốc công ty biết đơn vị này đã thành công trong việc đưa gạo Huyết Rồng đặc sản, có giá trị dinh dưỡng cao của Việt Nam vào thành phần nguyên liệu sản xuất bánh mì. Từ đó, Công ty bánh kẹo Á Châu đã triển khai kế hoạch cho một thương hiệu bánh mì mới từ gạo, sản phẩm mà ở bất cứ thị trường nào cũng có nhu cầu tiêu dùng cao. Tuy nhiên, ngoài việc giới thiệu ra thị trường sản phẩm mới từ gạo, kết quả đáng khích lệ này còn giúp giảm tỉ lệ nhập khẩu nguyên liệu, tiết kiệm chi phí đầu vào cho sản xuất, tăng khả năng tiêu thụ và tạo đầu ra cho nông dân.

Nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất – kinh doanh, giới thiệu những bước tiến mới trong việc công nghệ hóa các sản phẩm sau gạo, từ năm 2012, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã khởi động tổ chức “Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ”. Qua ba lần triển khai, “Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ” đã thúc đẩy hoạt động quảng bá, nâng cao giá trị hạt gạo như: Công ty Vĩnh thuận với các loại bột làm bánh pha sẵn, Vifon (bánh đa cua), bánh kẹo Á Châu (bánh mì từ gạo Huyết Rồng), Sài Gòn Food (cháo dinh dưỡng dành cho trẻ em và người cao tuổi)…

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đánh giá: Trong vài năm trở lại đây, ngành sản xuất thực phẩm công nghệ của nhiều doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã tăng đáng kể tỉ lệ sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa như gạo, bột gạo, rau quả, các loại đậu… cho thấy đây là một triển vọng lớn, hướng đi thiết thực trong việc mang lại giá trị gia tăng gấp nhiều lần cho mặt hàng nông sản Việt Nam, giảm dần xuất khẩu thô với giá trị thấp.

(Nguồn: VnEconomy)

 

Chia sẻ bài viết này trên