Lo cho xuất khẩu, mừng vì… nhập siêu

Lo cho xuất khẩu, mừng vì… nhập siêu

Xuất khẩu (XK) và nhập khẩu (NK) trong quý I đang mang lại cảm xúc trái ngược nhau. Trong khi XK “đuối sức” là điều đáng lo ngại, thì nhập siêu lại đem đến niềm hứng khởi trong bối cảnh kinh tế quý I-2015 khởi sắc.

XK giảm tốc

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, XK quý I ước đạt 35,7 tỷ USD, chỉ tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2014. Mức tăng trưởng này chỉ bằng một nửa so với quý I-2014 (14,1%) và chưa bằng 1/3 của cùng kỳ năm 2012. Nói về nguyên nhân XK tăng thấp, ông Cao Viết Sinh, Tổ trưởng Tổ vĩ mô liên Bộ (Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước) cho rằng: XK giảm chủ yếu do nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm lên tới 37,2% so với cùng kỳ năm 2014.

Đồng thời, XK nhóm hàng nông, lâm, thủy sản giảm 15,8% so với cùng kỳ (chủ yếu giảm về lượng và giá trị XK thủy sản; giảm lượng XK gạo và cà phê).

“Xét về giá trị tuyệt đối, cả hai nhóm hàng giảm 1,6 tỷ USD so với cùng kỳ. Ngoài ra XK của khu vực kinh tế trong nước quý I giảm 5,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ 2014 tăng 9,8%) do sụt giảm về lượng cũng như giá trị XK của một số nông sản chính và than đá là những mặt hàng chủ lực của khu vực này” – ông Cao Viết Sinh đánh giá.

Cho rằng XK có lo ngại một chút, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng đánh giá: Dù XK vẫn duy trì đà tăng trưởng hơn 6% trong quý I nhưng chỉ bằng một nửa cùng kỳ năm 2014. Đây là điểm đáng lưu ý do nhóm hàng XK nông, lâm, thủy sản giảm mạnh cả về giá và lượng. Ngoài ra, XK giảm còn chịu tác động của giảm giá, lượng XK dầu thô và than đá. Cuối năm 2014 và sang 2015 đã hạn chế XK than.

Nhận định rằng cần “nhìn thẳng vào sự thật”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh XK đang “có vấn đề” và “cần phải lưu tâm”.

Mục tiêu Quốc hội đặt ra là XK 2015 tăng trưởng 10% so với 2014, nhập siêu không quá 5%. Nếu tình hình XNK diễn biến như năm 2014 thì mục tiêu này dễ dàng đạt được. Nhưng sang quý I “gió đã đổi chiều”. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng: XNK cần phải lưu tâm hơn. Ngoài một số mặt hàng như than đá chúng ta chủ động hạn chế XK, thì một số lĩnh vực chúng ta đang chịu nhiều sức ép thị trường. Cùng kỳ năm ngoái, XK của khu vực trong nước ngang bằng khu vực FDI nhưng năm nay XK của khu vực này tụt hẳn xuống.

“Đây là vấn đề cần tháo gỡ, tất nhiên không phải chỉ trong 1 năm. Bởi lẽ nông sản vẫn chủ yếu là XK thô và chịu sự tác động của thị trường bên ngoài rất nhiều, không cạnh tranh được. Cho nên phải dứt khoát thúc đẩy tái cấu trúc lại nông nghiệp”- ông Bùi Quang Vinh nói.

NK tăng tốc

Tốc độ tăng trưởng XK đạt thấp cùng với tăng trưởng NK ở mức cao so với cùng kỳ dẫn đến cán cân thương mại quý I-2015 nhập siêu ở mức trên 1,8 tỷ USD, bằng 5,1% tổng kim ngạch XK (cùng kỳ năm 2013 thặng dư 453 triệu USD, năm 2014 thặng dư 1,115 tỷ USD).

Theo ông Cao Viết Sinh, NK tăng cao lên đến 16,3% so với cùng kỳ là do nhu cầu NK nguyên liệu sản xuất tăng cao, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2014.

Riêng máy móc, thiết bị tăng 44,4%; máy tính sản phẩm điện tử, linh kiện tăng 31,1%. Ngoài ra có yếu tố NK ô tô nguyên chiếc tăng cao, nhất là ô tô trên 9 chỗ ngồi phục vụ cho sản xuất (khoảng trên 13 nghìn chiếc, tăng 141% so với cùng kỳ năm 2014).

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng: Nhập siêu là do nhu cầu sản xuất trong nước đang tăng rất mạnh khiến nhập nguyên vật liệu tăng, không quá lo ngại.

Chúng ta chỉ lo lắng một chút về mục tiêu kiềm chế nhập siêu dưới 5%. Với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, nhập siêu 8% cũng là rất bình thường. Cho nên chúng ta nói rất nhiều lần trước Quốc hội, nhập siêu không phải là điều đáng băn khoăn. Dù 2 năm trước xuất siêu, song năm nay có thể chúng ta sẽ nhập siêu.

Trong quý II chúng ta phải giải quyết bài toán XK và NK Việt Nam trong năm 2015.

Tương tự, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đánh giá: NK tăng cao nhưng điều đáng mừng là chủ yếu nhập máy móc, nguyên vật liệu. Các mặt hàng cần kiểm soát NK có tăng nhưng không cao. Việc tái nhập siêu trong quý I chưa phải là điều bất thường, nếu thúc đẩy tốt XK và kiểm soát NK thì vẫn đạt mục tiêu nhập siêu trong khoảng 5%.

Lãnh đạo Bộ Công Thương dự báo XK quý II chắc chắn tăng cao hơn quý I, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất đề ra, song quan trọng là phải giảm nhập siêu.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng chia sẻ XK có phần lo lắng nhưng chưa đến mức “đáng lo lắm”. “NK tăng chủ yếu là máy móc, nguyên liệu nên có thể quý II XK sẽ cao hơn. Cả năm nếu giữ được nhập siêu dưới 5% thì sẽ là thắng lợi lớn” – ông Nguyễn Văn Bình nói.

Trước tình hình XNK quý I, thay mặt Tổ điều hành liên bộ, ông Cao Viết Sinh kiến nghị tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình để thúc đẩy XK nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng XK 10% và tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch XK dưới 5%; tiếp tục các giải pháp nhằm tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản (đặc biệt mặt hàng tôm XK sang các thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản; gạo sang thị trường Trung Quốc); có giải pháp hạn chế XK thô và gia tăng chế biến đối với nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản, giảm dần tỷ trọng nhóm hàng này trong cơ cấu hàng XK. Đồng thời kết hợp với các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên bộ về phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô quý I-2015 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành chức năng tiếp tục làm tốt công tác dự báo, phân tích, đánh giá tình hình để chủ động đề ra các giải pháp, cơ chế, chính sách linh hoạt, hiệu quả. Trên cơ sở đó, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng 6,2%; XK tăng 10%, kiểm soát tốt NK…

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo quyết liệt để lấy lại đà tăng trưởng XK; kiểm soát NK; đề xuất hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, bản thân các DN phải tái cơ cấu, nâng cao quản trị DN, đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại, sử dụng nguyên liệu tốt để làm ra các sản phẩm chất lượng tốt, có sức cạnh tranh trên thị trường.

 

Lương Bằng

Nguồn: Báo Hải Quan

 

Chia sẻ bài viết này trên