Sản lượng hạt tiêu thế giới kết thúc một thập kỷ tăng liên tiếp
Sản lượng hạt tiêu toàn cầu trong 10 năm qua tăng 72%, từ mức 234.418 tấn năm 2000 lên 561.500 tấn năm 2020. Tuy nhiên, sau khi tăng mạnh ở những năm trước thì tốc độ tăng sản lượng của năm 2020 chỉ là 1%, tương đương cao hơn 4.748 tấn so với năm 2019. Việt Nam hiện đóng góp 43% sản lượng hạt tiêu toàn cầu.
Thông tin từ trang Thehindubusinessline cho biết, tại một hội thảo quốc tế về gia vị do Hội Gia vị Ấn Độ tổ chức, bà Hoàng Thị Liên, Giám đốc điều hành của Ủy ban Hạt tiêu Quốc tế (IPC), đã có bài tham luận với chủ đề “Global Production and Trade Scenario – Black Pepper”.
Năng suất hạt tiêu trung bình ở các nước sản xuất trong giai đoạn 2010 – 2020 có sự biến động không nhỏ, cho thấy xu hướng gia tăng mạnh mẽ vào các năm 2011 và 2012, sau đó giảm ở hai năm tiếp theo, rồi tăng trở lại ở các năm 2017 và 2018, với mức tăng lần lượt là 20% và 19%.
Trong giai đoạn 11 năm (2010 – 2020), năng suất tiêu của Campuchia đạt cao nhất vào năm 2012 (3.740 kg/ha). Năm 2020, năng suất tiêu trung bình ở các nước sản xuất là 1.594 kg/ha, cao hơn 30% hay 365 kg/ha so với năm 2010.
Cũng trong giai đoạn 2010-20, mức tăng xuất khẩu hạt tiêu trung bình hàng năm của các nước xuất khẩu hạt tiêu là 6%, theo đó mức tăng mạnh nhất là năm 2017 với 19%.
Năm 2020, thị phần của Việt Nam trong tổng xuất khẩu hạt tiêu toàn cầu là 59%, với 285.292 tấn, tiếp theo là Brazil với 18% (89.756 tấn) và Indonesia là 11% (51.718 tấn). Ấn Độ đã xuất khẩu 15.924 tấn hạt tiêu trong năm này.
Về nhập khẩu, bà Liên cho biết, các thị trường nhập khẩu hạt tiêu chủ chốt trong giai đoạn 2014 – 2020 là Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc. Theo đó, trong 7 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã nhập khẩu 42.997 tấn hạt tiêu, và Việt Nam nhập 39.846 tấn. Cả năm 2020, Ấn Độ nhập khẩu 24.805 tấn.
Tính đến thời điểm tháng 7/2020, Trung Quốc chiếm 16% thị phần nhập khẩu hạt tiêu toàn cầu và trở thành thị trường nhập khẩu tiêu lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ (Mỹ chiếm 28% tổng nhập khẩu tiêu toàn cầu).
Nhập khẩu tiêu của 8 nước tiêu thu hạt tiêu lớn nhất thế giới trong năm 2020 là 15.503 tấn.
Sản lượng hạt tiêu Việt Nam giảm, giá có dấu hiệu tăng
Hiện Việt Nam đang thu hoạch hạt tiêu vụ mới, với sản lượng ước tính đạt 180.000 tấn, thấp nhất trong vòng 5 năm qua, giảm gần 30% so với vụ trước, trong đó riêng tỉnh Gia Lai, nơi vốn được cho là thủ phủ của hạt tiêu Việt Nam, sản lượng ước tính có thể sụt giảm tới 60%. Đây cũng là xu hướng chung của nhiều nước trồng tiêu lớn trên toàn cầu.
Theo báo điện tử Dân Việt, vào tháng 12/2020, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã tổ chức đợt khảo sát trên diện rộng về tình hình sản xuất hạt tiêu niên vụ 2020/2021 tại các tỉnh trồng tiêu trọng điểm: Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai. Kết quả đợt khảo sát cho thấy, sản lượng hạt tiêu vụ 2020/2021 có thể giảm mạnh ở nhiều địa phương. Ở Gia Lai, các huyện Chư Sê, Đắk Đoa, Mang Yang đều ghi nhận diện tích thu hoạch sụt giảm mạnh khoảng 50% so với thời kỳ đỉnh điểm năm 2017.
Sản lượng hạt tiêu hàng năm của Việt Nam đạt khoảng 170.000 – 200.000 tấn, trong đó xuất khẩu chiếm đến gần 95%, tiêu thụ nội địa khoảng 5%.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu hạt tiêu các loại trong tháng 01/2021 đạt 16.896 tấn, giảm 3.846 tấn (18,54 %) so với tháng liền trước, nhưng nếu so với một năm trước đó thì tăng 2.130 tấn (14,43%). Giá trị kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu trong tháng đạt 48,72 triệu USD, giảm 8,67 triệu USD, tức giảm 15,11 % so với tháng liền trước; nhưng cũng tăng 12,73 triệu USD, tức tăng 35,38% so với cùng kỳ năm trước. Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong tháng 1/2021 đạt 2.884 USD/tấn, tăng 4,23% so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 12/2020.
Trong năm 2020, các đơn vị thành viên của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã xuất khẩu đạt tổng cộng 182.908 tấn tiêu đen, chiếm 95,30% tổng khối lượng tiêu đen xuất khẩu của cả nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng xuất khẩu được 23.931 tấn tiêu trắng, chiếm 93,65% tổng khối lượng tiêu trắng xuất khẩu của cả nước.