Thu hút FDI: Thống nhất chính sách thuế và đầu tư

Thu hút FDI: Thống nhất chính sách thuế và đầu tư

Xác định vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là nguồn lực quan trọng của nền kinh tế, thời gian tới, việc sửa đổi chính sách pháp luật phải đảm bảo nguyên tắc không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, ngày càng thuận lợi hơn và ưu đãi hơn.

Theo đó, FDI được xác định là nguồn lực quan trọng của nền kinh tế, cùng nguồn lực trong nước tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tái cơ cấu nền kinh tế

Và để nguồn lực này phát huy hiệu quả, theo Nghị quyết, định hướng trong thời gian tới của Việt Nam là tạo bước chuyển mạnh mẽ về thu hút FDI theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường…

Việc thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia… cũng sẽ được khuyến khích.

Tương tự, khuyến khích, tạo điều kiện và tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với nhau và giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.

Để thực hiện định hướng quan trọng này, việc tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư sẽ được thực hiện.

Bên cạnh đó, là tập trung sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư, bảo đảm tính hệ thống từ ưu đãi thuế, ưu đãi tài chính đến ưu đãi phi tài chính.

Đặc biệt, phải thống nhất giữa chính sách thuế và chính sách đầu tư nhằm góp phần nâng cao tính cạnh tranh với các nước trong khu vực về thu hút FDI…

Một trong những khía cạnh quan trọng khác, đó là Nghị quyết đã đề cập việc điều chỉnh một số nguyên tắc về quản lý và phân cấp đầu tư.

Theo đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân cấp việc cấp giấy chứng nhận đầu tư nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, chịu trách nhiệm của địa phương, đồng thời đảm bảo quản lý thống nhất của Trung ương.

Để hoàn thiện cơ chế phân cấp, thì việc thẩm định đối với dự án thuộc quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ sẽ được bổ sung. Đó là các dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa, có tác động mạnh đến phát triển kinh tế – xã hội của cả vùng và quốc gia, dự án có sử dụng diện tích đất lớn.

Cũng theo Nghị quyết, tiêu chí cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng sẽ được hoàn thiện. Theo đó, đối với các dự án quy mô lớn, có tác động lớn về kinh tế – xã hội, cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư cần chú trọng xem xét, đánh giá về khả năng huy động vốn của nhà đầu tư, có thể có chế tài hoặc yêu cầu đặt cọc để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ triển khai dự án đúng tiến độ.

Cùng với việc ban hành Nghị quyết, Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương để có thể triển khai thực hiện Nghị quyết.

(Nguồn: ndhmoney.vn)

Chia sẻ bài viết này trên