Rau quả Việt Nam tăng tốc xuất khẩu ở các thị trường khó tính
Năm 2020 và tháng 1/2021, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan, Hàn Quốc … là những thị trường lớn nhập khẩu rau quả của Việt Nam, bất chấp dịch bệnh COVID 19.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NNPTNT), giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 1.2021 ước đạt 260 triệu USD. Thị trường lớn nhất của Việt Nam vẫn là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan, Hàn Quốc… Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan, Hàn Quốc đang có nhiều hứa hẹn trong năm 2021 dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2020 với 56,3% thị phần. Đứng thứ 2 là thị trường Hoa Kỳ đặt 168,8 triệu USD (chiếm 5,2%, tăng 12,5%); Thái Lan đạt 157,2 triệu USD (chiếm 4,8%, tăng 109,7%); Hàn Quốc đạt 143 triệu USD (chiếm 4,4%, tăng 8,5%); Nhật Bản đạt 127,7 triệu USD (chiếm 3,9%, tăng 4,3%).
Đáng chú ý, sản lượng và giá trị xuất khẩu rau quả đến các quốc gia phát triển thường được coi là thị trường khó tính đều tăng. Điều đó chứng tỏ ngành trồng trọt đã bước đầu xây dựng được các vùng trồng an toàn, áp dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản lượng, đủ sức cạnh tranh ở các thị trường có yêu cầu kỹ thuật cao.
Theo đánh giá của Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, quả vải thiều tươi xuất khẩu Nhật Bản là thành công khởi đầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Điều này khẳng định, nông dân, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được những nông sản chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của những thị trường khó tính.
Tuy nhiên, trái cây xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thử thách lớn trong quá trình mở rộng thị trường nước ngoài. Đặc trưng trái cây Việt Nam thuộc loại nhiệt đới, vì vậy thời gian bảo quản sẽ rất ngắn, nếu không sử dụng chất bảo quản sinh học, hoặc bảo quản bằng những chất mà tiêu chuẩn cho phép, thời gian giữ trái tươi cũng chỉ được từ 4-5 ngày, còn khi sử dụng công nghệ, thời gian tối đa cũng chỉ gần hai tuần.
Đây là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng tới lượng trái cây xuất khẩu đi nước ngoài cũng như tiêu thụ trong nước.
Mặt khác các doanh nghiệp Việt Nam cũng chậm ứng dụng kỹ thuật hiện đại trong khâu chế biến sau thu hoạch
Việt Nam là một quốc gia tiềm năng để phát triển hoạt động xuất khẩu rau quả. Tuy nhiên, để có thể thâm nhập sâu hơn nữa vào các thị trường khó tính, rất cần phải có kế hoạch phát triển bài bản để nâng cao chất lượng. Ngoài yếu tố chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, người nông dân phải sản xuất hàng hóa ở quy mô lớn để đáp ứng được những đơn hàng lớn của nhà nhập khẩu. Từ nhiều năm nay, đây vẫn là bài toán khó với ngành hàng trái cây Việt Nam./.
Nguồn: Tin tổng hợp