Triển vọng trái bơ xuất khẩu
Theo các chuyên gia kinh tế, trái bơ Việt Nam không thua kém cả về chất lượng lẫn sản lượng so với các nước xuất khẩu bơ lớn của thế giới. Mặc dù có nhiều dư địa để phát triển song câu chuyện xuất khẩu cho trái bơ tại Việt Nam vẫn còn nhiều khúc mắc.
Nhiều dư địa để xuất khẩu
Năm 2018, giá trị thị trường bơ thế giới là 14 tỷ USD, dự báo đến năm 2027 sẽ đạt 23 tỷ USD. Năm 2019, kỷ lục 3,2 triệu tấn bơ đang được thu hoạch trên toàn thế giới. Mexico vẫn là nước xuất khẩu lớn nhất, với gần 1,9 triệu tấn (60%), sau đó là các quốc gia Nam Mỹ.
Tại Việt Nam, bơ là loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, được trồng chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên gồm Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum với tổng diện tích đạt gần 8.000 ha và đang được nông dân tiếp tục mở rộng vùng trồng. Đặc biệt, cây bơ được trồng xen trong các vườn cà phê, hồ tiêu bước đầu cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.
Đắk Nông là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng bơ lớn của cả nước với diện tích gần 2.600 ha; trong đó trồng chuyên canh hơn 700 ha, trồng xen canh gần 1.900 ha và năng suất bình quân từ 10 – 15 tấn/ha. Cây bơ dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí chăm sóc chỉ bằng 1/3 các loại cây lâu năm khác và với giá bơ ổn định như nhiều năm qua, mỗi hécta cho thu hoạch từ 300 – 500 triệu đồng/năm.
Với đặc điểm địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi hơn so với các tỉnh khác, nhiều giống bơ ở Đắk Nông cho trái gần như quanh năm (từ tháng 1 đến tháng 11), năng suất cao như bơ Cuba, bơ 034, bơ Booth, bơ Hass, bơ sáp… Quả bơ Đắk Nông cho trái to, dẻo, màu vàng sậm hơn, mẫu mã đẹp hơn so với bơ các địa phương khác nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Theo đánh giá của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên – WASI, cây bơ đem lại nguồn thu lớn cho nông dân, trồng đến năm thứ 5 là có khả năng thu được 25-30 tấn quả/vụ/ha. Giá thấp nhất khoảng 30.000 đồng, cao điểm có thể lên đến 100.000/ký đối với các loại bơ ngon.
Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, địa phương đã định hướng và quy hoạch vùng trồng bơ chuyên canh và giảm dần diện tích trồng xen canh, tự phát trong rẫy. Từ tháng 6/2017, Sở đã làm việc với 66 hộ có hơn 700ha trồng chuyên canh, hướng đến trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để hướng đến xuất khẩu.
Hướng tới mục tiêu xuất khẩu và phát triển bền vững cây bơ
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nhu cầu tiêu thụ bơ tại Hoa Kỳ là rất lớn và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong thời gian tới.
Trao đổi với PLVN, ông Lê Sơn Hà – Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, hầu hết quả bơ tại Hoa Kỳ được tiêu thụ qua kênh các siêu thị lớn, với khối lượng lớn, do đó phải đáp ứng yêu cầu rất cao: Các công ty cung cấp quả bơ phải chịu trách nhiệm và có khả năng kiểm soát các khâu trong chuỗi cung ứng, từ sản xuất tới phân phối; các doanh nghiệp xuất khẩu cần đảm bảo có đủ các chứng chỉ chất lượng. Do quả bơ là một loại trái cây dùng để ăn liền, nên các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến các yếu tố an toàn thực phẩm.
Ông Hà nói thêm: “Việt Nam hiện có nhiều giống bơ cho quả gần như quanh năm. Tuy nhiên giá trị hàng hóa quả bơ Việt Nam còn thấp do hạn chế trong khâu ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy mô sản xuất manh mún, chưa xây dựng được thương hiệu và chỉ dẫn địa lý.
Trước việc quả bơ có thể trở thành thế mạnh xuất khẩu và xâm nhập các thị trường khó tính, ông Hà cho rằng cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các vùng trồng, người nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Ngoài ra, Việt Nam cần tìm kiếm và tuyển chọn những giống cây bơ ngon, chất lượng, năng suất cao, đặc biệt có chiến lược quảng bá tiếp thị hiệu quả
Đồng tình với quan điểm này, bà Ngô Tường Vy – Phó Giám đốc Công ty Chánh Thu (Bến Tre), một trong những doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản ra nước ngoài, cho rằng, vấn đề khó khăn nhất trong quy trình sản xuất bơ đó là khâu bảo quản.
Bơ được cho là một loại trái cây “khó tính” vì không dễ bảo quản, hiện chủ yếu dùng để ăn tươi nhưng thường chỉ để được đến tối đa 5 ngày. Đặc tính chín đồng loạt, dễ dập nên rất khó có thể vận chuyển đến các tỉnh xa hay xuất khẩu. Hiện nay, tại Việt Nam vẫn chưa có sản phẩm chế biến nào từ bơ. Mặt khác bơ cũng là loại trái cây rất khó để chế biến, nếu chế biến không đúng cách, bơ rất dễ nhiễm vị đắng.
Qua trao đổi, bà Vy cung cấp thêm, hiện công ty đã xuất khẩu một số đơn hàng sang Trung Quốc, Đài Loan, Úc… và nhận được phản hồi tích cực. Tuy nhiên, để xâm nhập được thị trường khó tính như Mỹ hay các quốc gia châu Âu, theo bà Vy, “là một câu chuyện không đơn giản và cần phải đầu tư rất nghiêm túc, bài bản”.
Bà Vy nhắc đến công nghệ HPP (high pressure processing) mới được áp dụng thành công tại Mỹ mới đây, giúp các sản phẩm chế biến từ bơ giữ nguyên hương vị, chất dinh dưỡng, độ tươi ngon, đồng thời kéo dài thời gian sử dụng của sản phẩm. Nếu công nghệ này sắp tới được áp dụng tại Việt Nam sẽ giải quyết được một trong những bài toán khó nhất đối với quả bơ từ trước đến nay.
Để có nguồn bơ chất lượng, hiện Chánh Thu đã tìm cách liên hệ với các trang trại hoặc vùng trồng bơ tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap và cao hơn nữa là Organic, đảm bảo đúng kỹ thuật trong tất cả các khâu từ chọn giống, trồng cây con, chăm sóc cây, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch…
“Tôi cho rằng, nếu làm tốt công tác sản xuất, có sự đầu tư và cách tiếp cận thị trường phù hợp, quả bơ có thể sẽ nhanh chóng trở thành cây trồng có doanh thu xuất khẩu cao của nước ta”, bà Vy nói.